Pages

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Giới Thiệu Tác Giả

Tác Giả: Ông Vũ Hồng Quân

- Sinh ngày 03/01/1936 tại Hà Nội.

- Quê quán: Xóm Chùa Nhĩ, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

- Hộ khẩu thường trú: Xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

1- Lịch sử bản thân và quá trình công tác

- Từ năm 1936 đến năm 1946: Còn nhỏ ở với mẹ và các anh chị ruột (Cha

mất trước khi sinh vài ngày).

- Từ năm 1946 đến tháng 5/1959: Bắt đầu được học chữ, hết lớp 3 trường

làng thì học lớp Nhất trường Hàng Than. Trong khoảng thời gian từ 1951 - 1953

học trường Bưởi - Chu Văn An (nay là trường cấp III Chu Văn An). Sau đó về

nhà làm nông nghiệp.

- Từ tháng 6/1959 đến tháng 1/1960: Học lớp Kế toán Kiến thiết cơ bản

tại Yên Viên.

- Từ tháng 1/1960 đến tháng 6/1960: Làm kế toán tại Trạm Cung cấp, Cục

Kiến thiết cơ bản, Bộ Công nghiệp.

- Từ tháng 7/1960 đến tháng 3/1967: Làm kế toán tại Đoàn xe Cục Vật tư,

Bộ Công nghiệp nặng.

- Từ tháng 4/1967 đến tháng 6/1967: Cán bộ thi đua Công ty Vận tải, Bộ

Công nghiệp nặng.

- Từ tháng 7/1967 đến tháng 8/1968: Làm kế toán trưởng Đoàn xe IV,

Cục Vận chuyển, Bộ Công nghiệp nặng.

- Từ tháng 9/1968 đến tháng 12/1968: Làm kế toán tại Cục Vận chuyển,

Bộ Công nghiệp nặng.

- Từ năm 1968 đến năm 1974: Học đại học tại chức ngành Tài vụ kế toán

Công nghiệp, trường Cán bộ Tài chính kế toán Ngân hàng Trung ương.

- Từ tháng 1/1969 đến tháng 5/1969: Làm tại phòng Chế độ Cục Vận

chuyển, Bộ Công nghiệp.

- Từ tháng 6/1969 đến tháng 8/1987: Làm kế toán tại Công ty Vật tư, Bộ

Điện và Than sau đó là Bộ Điện lực.

- Từ tháng 9/1987 đến tháng 5/1992: Làm kế toán thống kê tại kho

Thượng Đình, Ban quản lý các công trình điện, Công ty Điện lực I.

- Từ tháng 6/1992 đến nay (2014): Nghỉ hưu. Tham gia công tác xã hội ở

địa phương: thành viên Ban Biên tập lịch sử xã Thanh Liệt, tham gia Mặt trận

Tổ quốc, Hội khuyến học họ Vũ, tham gia các CLB thơ…

2- Công tác Đoàn thanh niên

Từ năm 1965 - 1975 làm Bí thư Chi đoàn; sau đó là Phó Bí thư Đoàn Cục

Vật tư, ủy viên Ban chấp hành Đoàn Bộ.

3- Khen thưởng

- Huân chương Kháng chiến hạng Ba: “Đã có công lao trong cuộc kháng

chiến chống Mỹ, cứu nước” (Nghị quyết số 626 KT/HĐNN do Chủ tịch Hội

đồng Nhà nước Trường Chinh ký ngày 21/3/1985).

- Kỷ niệm chương “Thợ điện vẻ vang”.

- Huy chương vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Công nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, còn được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp

trong suốt quá trình công tác.

Thành tích đặc biệt (được khen thưởng Huân chương kháng chiến): Trong

thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cam go, ác liệt, Bộ Công nghiệp nặng thành lập 4

đoàn xe chuyên chở gạo chi viện cho miền Nam, giao tại Bến Thủy (Nghệ An).

Tuyến đi từ Lạng Sơn vào Bến Thủy thường là đường rừng, gọi là đường bò lăn,

quán dắt, qua nhiều cửa tử: cầu Bố (Thanh Hóa), Khoa Trường, Khe nước lạnh

(Tĩnh Gia), Hoàng Mai, cầu Bùng (Diễn Châu), là những nơi địch bắn pháo suốt

ngày đêm. Với cương vị Kế toán trưởng Đoàn xe, ủy viên Ban Chấp hành Đoàn

thanh niên Bộ, ông đã nêu gương và hoàn thành tốt nhiệm vụ: dẫn nhiều đoàn

xe, chở nhiều gạo cho tiền tuyến. Có những chuyến đi đường tắt, 3 ngày phải

nhịn đói, phải đi xin khoai, cơm nhà dân ăn, trong khi xe chở đầy năm tấn gạo.

Trận ác liệt nhất là ở Cầu Giát (Quỳnh Lưu), bom Mỹ rải khắp mặt đường làm

mỗi phía tắc 5, 6 chục xe. Trong tình thế nguy cấp phải giải phóng xe trước khi

máy bay Mỹ quay lại, không sợ hiểm nguy, ông gương mẫu kêu gọi các đoàn

viên, thanh niên, lái xe… lấy cuốc cào bùn làm thành 2 vệt bánh xe, mở đường

cho xe đi qua, đưa gạo kịp thời cho tiền tuyến.

4- Công tác lịch sử và tham gia các hoạt động tại địa phương

- Từ tháng 4/1996 là thành viên Ban Lịch sử xã Thanh Liệt.

Được biết đến như một người viết sử làng, ông luôn bền bỉ, say mê hoạt

động sưu tầm, lưu giữ tư liệu lịch sử về cuộc đời, sự nghiệp các danh nhân tại xã

Thanh Liệt như: Đô hồ Đại vương Phạm Đô Tu (467 - 545) và nhà tiên triết Chu

Văn An (1292 - 1370), đã cung cấp nhiều tư liệu cần thiết, quý giá xây dựng các

chương trình, các phóng sự ý nghĩa do Đài truyền hình TW và Đài truyền hình

HN thực hiện.

Ông là chủ biên cuốn Lịch sử Truyền thống cách mạng xã Thanh Liệt,

xuất bản năm 1998.

- Tham gia công tác sử liệu của huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

- Làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Liệt.

- Làm ủy viên Mặt trận Tổ quốc xã Thanh Liệt 2 khóa.

- Tham gia Ban Tổ chức Hội làng và Đội tế lễ nhiều kỳ, đặc biệt đã có

đóng góp chính trong việc xây dựng kịch bản khôi phục, phát triển Hội làng

truyền thống xã Thanh Liệt trong những năm gần đây.

5- Công tác khuyến học

- Xây dựng Chi Hội khuyến học Họ Vũ, là Chi Hội hoạt động thường niên

trong xã Thanh Liệt, góp phần khích lệ tinh thần ham học hỏi của nhiều thế hệ

con cháu trong dòng họ Vũ, kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của cha

ông. Hội đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền.

- Năm 2005 tại Đại hội biểu dương Gia đình hiếu học thành phố Hà Nội

lần thứ nhất do Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức: Gia đình ông Vũ Hồng Quân

được chọn là một trong số 112 gia đình hiếu học tiêu biểu được biểu dương của

thành phố Hà Nội .

6- Hoạt động sáng tác thơ

Là nhà thơ tài hoa, sáng tác nhiều thể loại thơ, nhưng đặc biệt yêu thích

thể thơ Đường luật, hội viên CLB thơ Tô Giang, hội viên CLB UNESCO Thơ

Đường Việt Nam, có nhiều bài được đăng trong các tập thơ:

- Thơ Đường Việt Nam, do CLB UNESCO Thơ Đường Việt Nam tuyển

chọn, Nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành năm 2007.

- Hương cổ điển - thơ truyền thống nhiều thể loại, Nhà Xuất bản Văn hóa

dân tộc ấn hành năm 2006 do nhà thơ Hoài Yên sưu tầm, tuyển chọn.

- Bút xưa - tuyển tập thơ đường luật Việt Nam 20 năm hồi phục (1990 -

2010), Nhà xuất bản Thời đại ấn hành năm 2011 do nhà thơ Hoài Yên chủ biên.

- Có nhiều bài trong hầu hết các tập thơ Thanh Trì từ năm 1998 đến nay.

- In tập thơ Chân quê của riêng cá nhân gồm 116 bài thơ, năm 2001.

Từ cuối năm 2013 là Hội viên Hội Thi đàn Việt Nam.

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Đề đình Lý Nhân

Thôn Trung đình Lý dựng Nhâm Thân

Tam giáp xây nền đặt Lý Nhân

Kiến tạo vọng thờ ngài bản thổ

Trùng tu tôn kính đức linh thần

Bốn mùa tế lễ lưu kim cổ

Sáu xóm tâm thành nguyện cách tân

Lễ nghĩa khơi nguồn văn hóa mới

Phát huy truyền thống của làng Nhân./.

                                           Ngày 01/01/2001

Đêm trắng

                              (Kính tặng người vợ tảo tần)

Chúng mình yêu nhau

Từ thuở cháo rau

Nay con

Nay cháu

Bằng đầu

Mọi việc nhà

Trên vai em tất cả

Em mỏi mòn, rời rã

Anh vô tích sự đã nhiều

Nay anh về hưu

Lại càng vô tích sự

Thơ và lịch sử

Anh có biết ít nhiều

Anh lao vào việc đó

Đỡ em được bao nhiêu?

Nhưng tình yêu lại càng thắm thiết

Anh muốn chứng minh

Để em được biết

Nên đặt tình yêu lên một đĩa cân

Nhưng cân vẫn thăng bằng như thế

Bởi tình yêu là phi vật thể

Em ơi!

                                         Đêm 01/4/2000

Viếng Cụ Trần Tuyết Hữu

                                    (vợ cụ Sáu)

                           Mất ngày 20/11 Canh Thìn (15/12/2000)

Dưới vòm đai thụ Tĩnh Tâm Trai

Phút chốc ra đi khóm bạch nhài

Hậu trường nâng khăn tình sớm tối

Tiền đường đàm đạo nghĩa hôm mai

Tàn y hãy giữ nguyên hơi ấm

Cổ kính xin đừng để bóng phai

Một nén tâm hương xin kính viếng

Phải chăng số mệnh đã an bài./.

                          Ngày 15/12/2000

Ngẫu hứng

Tiếp điện thoại xong lại phơi rơm

Mới hay thơ phú vẫn cần cơm

Nếu thơ thôi được cơm và áo

Chắc sẽ thanh tao, rất có hồn./.

                              Ngày 08/3/2000

Một góc trung thu

                                      Cảm xúc khi xem buổi ti vi phát về quận Đống Đa tổ chức

                                         đêm trung thu cho các em lang thang cơ nhỡ

Đêm trung thu ở Quận

Với các em khó khăn

Vừa vui vừa cảm động

Một tối quên nhọc nhằn

Các em vui phá cỗ

Và được cho cả đèn

Mai lang thang hè phố

Đèn cất đâu? Các em!

                                        Ngày 24/9/1999 (15/8 AL)

Tự Họa Bài “Thơ Là Duyên Nợ”

Tôi định tuyên ngôn dứt nợ thơ

Nhiều bài gửi họa nối đường tơ

Lại vương lại vấn, còn hoài bão

Còn nhớ, còn thương, lại ước mơ

Những tưởng thi đàn đà đóng chặt

Nào hay văn các mới cài hờ

Chắc là nghiệp chướng còn duyên nợ

Xin tạ lời vàng bạn họa thơ.

                            Ngày 15/06/1999

Thơ Là Duyên Nợ

Một duyên hai nợ ấy là thơ

Sao vẫn vương vào mối nhện tơ

Phảng phất ý tình đêm khó ngủ

Mải mê vần điệu sáng còn mơ

Thơ không tuổi vì năng giao tiếp

Người hữu duyên sao khéo hững hờ

Nếu phải Xuân Hương thì thắm lại

Để cùng thanh thản với nàng thơ.

                                                Ngày 05/06/1999

Lơ Thơ Tơ Liễu

                                      Họa bài “Liễu với nhà thơ”

Liễu lả lơi buông suối tóc huyền

Hồ Tây soi bóng, bóng thề nghiêng,

Mắt ai lúng liếng cười trong nắng

Quân tử mơ màng trước nét duyên.

Thu đến càng không thể hững hờ

Liễu mong liễu đợi bóng hình thơ

Kiếm tìm năm tháng con thuyền vắng

Đăm đắm kìa ai vẫn đợi chờ.

                                            Ngọc Bích (10/1999)

Tuần trăng mật muộn mằn



Trăng mật đôi ta quá muộn mằn

Bởi còn mải tính chuyện làm ăn

Bên hồ Đà Lạt không Than Thở

Trước biển Vũng Tàu giảm nếp nhăn

Đã đủ danh lam miền lục tỉnh

Còn thêm thắng cảnh đất Năm Căn

Cháu con phấn khởi, ông bà khỏe

Bốn bẩy năm sau, quá muộn mằn

                                       Sài Gòn, 20/7/1999
                                                Tặng Vợ Tôi

Viếng Mộ Thầy Giáo Tạ Doãn Thành

Thế là thầy đã đi xa

Mười năm mà tưởng như là mới đây

Công lao dạy dỗ của Thầy

Nén nhang tấc dạ hợp bầy kính dâng

Trồng cây, công việc mười năm

Trồng người sự nghiệp trăm năm mới thành

Thầy là gương sáng long lanh

Tu nhân tích đức để dành cháu con

Bước chân gian khổ đã mòn

Muối vừng, cơm nắm, áo sờn trường Đơ

Đã từng ngồi ghế gia sư

Đã từng thầy ký bên bờ vùng than

Từng thi “Pra-tích” Tuyên Quang

Và từng làm thợ tráng gương một thời

Kế sinh nhai, một vòng đời

Chiến tranh, Thầy trở về nơi quê nhà

Trồng người mấy chục năm qua

Từ vườn ươm đã kết hoa muôn màu

Thầy là mẫu mực thanh cao

“Thanh Tô thi tập” dạt dào văn phong

Tự hào trước tấm gương trong

Gia đình, con cháu một lòng phát huy

Lớp trò tung cánh bay đi

Vẫn thường canh cánh nghĩ về Thầy xưa

Nhưng nay Thầy đã đi xa

Chân dung Thầy đó, tưởng là còn đây

Nhớ công khai trí của thầy

Nén nhang cả lớp trò Thầy kính dâng./.

                                  Đọc trước mộ thầy nhân ngày giỗ

                                                            lần thứ 10 (9/4/95)

Tặng CLB thơ Thanh Trì

Trăm năm trong cõi người ta

Thơ sao vẫn trẻ không già thơ ơi!

Tình thơ lai láng bồi hồi

Ngày ngâm lục bát, đêm bài cổ thi

Với Câu lạc bộ Thanh Trì

Sao còn phải hỏi duyên gì hay không?

Từ khi lá thắm chỉ hồng

Mồng năm tháng chẵn một lòng đinh ninh

Lời ca Thịnh Liệt, Vĩnh Quỳnh.

 ý thơ Đông Mỹ, nét tình Đại Kim

Khác nào đến hẹn đồi Lim

Để thơ Thanh Liệt đi tìm Lĩnh Nam

Tình thơ sao khéo đa đoan

Cũng thai cũng nghén như ngàn cỏ cây

Nâng niu tuyển tập đầu tay

Mà lòng đã chắc những ngày còn xanh

Lơ thơ tơ liễu buông mành

Đỗ Lưu ơi! Mệt thấm quanh Minh Hà

Đầu lòng mới một tố nga

Cự Minh cũng mỏi nữa là Văn Long

“Cày” trên từng chữ, từng dòng

Nên câu tuyệt diệu, ngụ trong tính tình

Nghĩ mình được dự bố kinh

Trông hoa đèn, những thẹn mình với ai

Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui xin góp một bài đầu xuân./.

                                Tháng 12/12/1995

Bệnh đời

Nhức nhối tim gan trước bệnh đời

Tham đầy, đạo lý lại càng vơi

Quan nha đục khoét toang ngân khố

Báo chí phanh phui hỏi thấu trời

“Hải Thượng” kê đơn còn bớt vị

“Bao Công” quyết án vẫn tùy thời?

Nhân dân từng chịu bao nghèo đói

Bọn mọt sâu này phải trị thôi./.

                                Ngày 17/4/1994

Nghĩ Về Mảng Thơ Hưu

Có điều trăn trở với thơ hưu

Tuy ít người xem, viết khá nhiều

Đạo lý ngoài đời đang xuống cấp

Thơ tham gia chống được bao nhiêu?

Chưa tác dụng nhiều dễ hiểu thôi

Điều cần xây chống khắp nơi nơi.

Mà thơ vẫn quẩn bên thi hữu

Chưa đến được nhanh với mọi người.

Thơ hưu xem tựa lúa đại trà

Chuyên nghiệp là vườn đậm sắc hoa

Hãy đặt đại trà lên đúng mức

Thơ hưu tác dụng sẽ bay xa.

Nghiệp dư đâu phải ít thơ hay

Khương quế về già lại rất cay.

Cái đạo làm người cô đúc lại.

Tâm thơ minh bạch tựa ban ngày

Từ bài lục bát dạy răn con

Trào phúng vài vần thể ngũ ngôn

Đến cả thơ Đường đầy niêm luật

Chân quê nhưng rất đậm tâm hồn.

Bài thơ ví tựa vị thuốc hay

Nhiều bổ là thơ để dựng xây

Thêm tả để trừ phường bất nghĩa.

Xin thầy cứ bốc chớ nương tay.

Diện mảng thơ hưu rộng biết bao

Với hơn vạn xã, triệu “thi hào”

Một dòng lúa mới đang tầm chín

Hy vọng mùa thơ chất lượng cao!

Ngày 26/9/1994.

Tự Họa

Về hưu để hưởng cảnh an nhàn

Vứt bỏ chuyện đời lắm trái ngang

Thanh bạch li trà thăm bạn cũ

Giao lưu thơ phú hội tao đàn

Vì con vì cháu lo răn dạy

Việc nước việc dân đỡ phải bàn

Kinh tế khó khăn, giàu đạo lý

Giữ lòng trong sáng ấy là sang./.

                               Tháng 01/1994

Vịnh miếu thổ kỳ

Trầm mặc ven sông miếu Thổ Kỳ

Soi dòng Tô Lịch ánh sao Khuê

Tôn thờ Vương mẫu ngời ân đức

Tưởng niệm Chu công sáng hậu thùy

“Nam quốc nho tôn” vang sử sách

Bắc phương lý học tuyệt văn thi

Sớ dâng thất trảm lưu muôn thuở

Bia đá, bảng vàng đậm khắc ghi./.

                                 Tháng 09/1993

Từ lời những bài ca

“Có người lính ra đi từ mái tranh nghèo”

Tôi không thuộc lời các đoạn tiếp theo

Nhưng nghe bài ca sao lòng nhức nhối

Và “khi tên anh khắc vào vách núi”

Là lúc mẹ già ngóng đợi trên đê

Rồi “con đã ra đi từ đó không về”

Mẹ khóc thương con cạn dòng nước mắt

“Tấm áo năm xưa con thường vẫn mặc”

Vẫn định kỳ mẹ giặt lại cho con

“Đông Trường Sơn hay Tây Trường Sơn”

Sao giữ mãi những đứa con của mẹ

Sau mỗi chiều và mỗi ngày như thế

Mẹ vẫn bàng hoàng về cuộc chiến tranh

Càng nghiệm ra mọi giải pháp hòa bình

Bao giờ cũng đều là nhân là đạo

Mọi cuộc chiến tranh đều là tàn bạo

Hãy dập tắt đi các lò lửa chiến tranh

Hãy nâng niu từng cuộc sống mầm xanh

Để được có thêm nhiều “chùm khế ngọt”

Để rộng nữa những “con đường đi học”

Để đất nước mình “rợp bướm vàng bay”

Lời những bài ca vang vọng hôm nay

Là “đặc sản” trong thời kỳ vệ quốc./.

                                                                    Ngày 27/3/1993

Cảm nghĩ về Thanh Trì

Theo dòng lịch sử huyện Thanh Trì

Tiềm ẩn bao điều lẽ thịnh suy

Thắng cảnh danh lam còn vang bóng

Một vùng trù phú phía ngoại vi.

Cá rô đầm Sét, vải làng Quang.

Bánh cuốn Thanh Trì, bún Pháp Vân

Cá Đám, rượu Ngâu đều đặc sản

Làng Đơ, khăn mặt lụa tơ tằm.

Danh nhân Tiền Lý: Phạm Đô Tu

Tiếp đến đời Trần, đức thánh Chu

Nguyễn Trãi, Ngô Thì theo phủ cũ

Hiện thời quê Bác Tổng bí thư.

Từ thuở xa xưa Huyện vốn nghèo

Giỏ cua làng Giả sống gieo neo

Ruộng đất nhà nông toàn cấy rẽ

Thân phận người dân quá bọt bèo.

Rồi cách mạng về rợp cờ bay.

Toàn dân vùng dậy diệt đồn Tây

Ngọc Hồi truyền thống cờ tung gió

Liên tục phong trào tiếp đến nay.

Một vành đai đỏ của Thủ đô

Khi Bác về thăm đã dặn dò

Toàn huyện từng ngày đang đổi mới

Nhà nhà đều thấy cảnh ấm no.

Các cụ bình thơ diễn hội thao

Phải chăng nét mới của phong trào

Văn vật ngàn năm đang nở rộ.

Mong rằng từng bước sẽ nâng cao

Từ huyện Thanh Đàm đất Thăng Long

“Địa linh nhân kiệt”ấy nghìn năm

Truyền thống bừng lên từ cách mạng

Xin góp vần thơ với tấm lòng

Ngày 01/09/1993

Trung Thu

Trung thu phá cỗ giữa sân trăng

Khách dự hôm nay có chị Hằng

Bánh trái thơm lừng, na ngọt lịm

Cam, xoài khát giọng, bưởi còn hăng

Ông vui các cháu ngày khôn lớn

Cháu chúc ông bà sức khỏe tăng

Ngày một tháng mười, rằm tháng Tám

Tre già ấm bụi bởi nhiều măng

Trung thu Quý Dậu

                                                        Năm 1993

Chiều Xuân Viếng Mộ

Chiều xuân ra viếng mộ phần

Trước mồ u hiển, tần ngần lệ sa

Năm ngôi bảo tích của nhà

Cụ, ông bà, với mẹ cha vĩnh trường

Bùi ngùi, lặng lẽ, buồn thương

Cúi đầu thổn thức, vấn vương lòng sầu

Chân trời góc bể bấy lâu

Vẫn hằng da diết, khắc sâu hình hài

Quá khứ, hiện tại, tương lai

Mộ phần là cả tượng đài tâm linh

Đời đời con cháu đinh ninh

Ơn sâu nghĩa nặng thâm tình là đây

Sông kia có lúc vơi đầy

Thương ông bà, nhớ mẹ thầy không quên

Công cha nghĩa mẹ khôn đền

Chỉ xin ghi khắc sâu bền trong tim

Linh phần vắng lặng im lìm

Mà lòng xao xuyến nổi chìm xót xa.

Ước gì u hiển hiện ra

Để con thấy cụ, ông bà, thầy u

Quanh vùng vẫn lặng như ru

Bỗng nghe tiếng mẹ vọng từ đâu đây

Một làn gió thoảng hây hây

Ở trong dường có hương bay ít nhiều

Thấu lòng con viếng mộ chiều

Bờ lau xào xạc những điều tâm linh./.

 Bác Hoán + V.HQ

Chiều 8/Giêng (30/1/1993)

Chiều Tà Bên Sông

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng”

Ôi! Mẹ hiền tôi còn hơn thế

Bốn con nhưng lại nặng việc đồng.

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng”

Người vợ hiền tôi là bóng mẹ

Sáu con, càng lặn lội bờ sông.

Rồi đến con tôi đã lấy chồng

Nửa phần công tác, nửa nhà nông

Giao thời kinh tế càng phân hóa

Lại một đời rau cỏ bên sông./.

                                                                  Chiều 05/09/1993

Quê Nhà

Thanh Liệt quê nhà đất cố hương

Về hưu, cùng Họ sửa từ đường

Bốn trăm năm cũ, bao truyền thống

Mười sáu đời nay sống kỷ cương

Người viết sử làng, từng chủ bút

Thi đàn Đất Việt, giới văn chương

Gia đình hiếu học, nhà văn hóa

Thành phố vinh danh, huyện biểu dương.

                                                Xuân 1992.

Quê hương Thanh Liệt

Gương nước sông Tô, đậm bóng làng

Long lanh phản chiếu sử ngàn trang

Ngoài biên Phạm tướng bình Lương tặc

Nội chính Chu thần chống thất gian

Dân trí mọi thời đều phát triển

Cảnh làng ngày một vẻ khang trang

Tự hào biết mấy người Thanh Liệt

Tình nghĩa đậm đà vị vải Quang././

                                             Ngày   06/01/1991

Tam Quan Chùa Nội

Chỉ một tam quan, một bóng đề

Đã là chùa Nội, đã là quê

Cửa chùa, điểm nghỉ bao mùa lúa

Cầu Hóp dừng chân chẳng muốn về

Công đức trùng tu quang cảnh Phật

Phương danh ghi tạc giữa lòng bia

Đường vào cõi Phật từ đâu nhỉ

Hãy đến tam quan rợp bóng đề./.

Ngày 07/9/1990

Thơ viếng một cụ chuyên nghề tổ tôm

Thương Cụ một đời vận Đỏ Đen

Thuốc Thang là vậy thiếu Chi tiền

Thuyền Tình những tưởng Hoa đào nở

Thất ý rong chơi chốn Cửu tuyền

Xoay mãi cây bài, mong Lục Sách

Cháu Chờ, nghĩa tử Phỗng tay trên

Hội này thôi cũng ngoài Bát thập

Ba Vạn sáu ngàn, giấc mộng Tiên.

8/1989

Chùa Quan Âm

Thắng cảnh chùa Quang đẹp tuyệt vời

Tam quan soi bóng nước đầy vơi

Thâm nghiêm tam bảo đầy hương khói

Chuông lắng chiều hôm đổ mấy hồi

Lễ hội tưng bừng già trẻ lại

Dâng hương kính cẩn động lòng người

Phật đài tỏa chiếu muôn điều thiện

Nhịp mõ hồi chuông cảnh tỉnh đời./.

Hội chùa 14/5/1989

Lạng Sơn - Một Đoạn Đời

Chuyển về công tác miền xuôi

Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người Lạng Sơn

Non cao sương phủ mây vờn

Chiều chiều khói tỏa chập chờn bản xa

Suối reo róc rách quanh nhà

Tắc kè báo nắng hay là gọi mưa

Cơ quan mươi dẫy nhà thưa

Người đi Bản Lếch, người chờ Gốc Me

Ở đây thời tiết khắt khe

Một ngày đêm, đủ Xuân - Hè - Thu - Đông

Tình người gắn bó mặn nồng

Thủy chung tha thiết sáng trong một thời

Dù cho vật đổi sao dời

Quên sao tình nghĩa những người thân quen

Một lời hỏi nhỏ của em

Chắc gì anh sẽ còn lên với rừng?

Anh ơi chua ngọt đã từng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau

Lời ai da diết nghẹn ngào

Để ai ngây ngất vì đào Lạng Sơn./.

Xuân 1977

Tết Toàn Rau

Đề thơ Cần viết vận toàn rau

Hợp với mình chuyên Cải thiện rau

Đã trải Mùi sang, khinh thịt cá

Từng qua cảnh Bí trọng dưa rau

Đời xơ xác Mướp bòn từng quả

Nghèo rớt Mồng Tơi bạn với rau

Món nợ văn chương hành sớm tối

Su Hào nhẵn túi, tết toàn rau.

03/02/1977